“Rèn luyện E.A.S.Y (nếp sinh hoạt) cho con như thế nào hoặc khó hay dễ” là một câu hỏi được rất nhiều ba mẹ quan tâm. Mẹ Soda xin trả lời, việc này không khó, chỉ cần quyết tâm, kiên trì, các mẹ sẽ làm được, thật sự đơn giản và khá dễ dàng nữa các mẹ ạ.
Mình trước đây làm nhân viên văn phòng, sau khi sinh Soda, mình tạm nghỉ việc để ở nhà chăm con. Ban đầu, Mẹ Soda thật sự rất khó khăn, vất vả khi cố gắng thích nghi với việc này, vì mình thấy rối bời, mọi thứ rất mới, rất lạ, rất khó. Tháng đầu tiên sau sinh, được bà giúp chăm Soda buổi tối, còn ban ngày mình được chồng hỗ trợ cùng chăm sóc con. Sau 1 tháng, cả 2 vợ chồng phải tự lực cánh sinh hoàn toàn.
Đây là bé đầu tiên nên mẹ Soda gặp rất nhiều bỡ ngỡ, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm chăm con gì cả, mặc dù trước khi sinh, mình cũng đã chuẩn bị tâm lý về khó khăn ban đầu, tuy nhiên mình vẫn hoàn toàn bị động khi xử lý vấn đề, đặc biệt khi Soda quấy khóc.
Ban đầu, mình nhìn bà chăm cháu rồi học theo cách thức ấy. Nhưng cách chăm của bà thuộc thế hệ trước, nên có nhiều vấn đề đôi lúc sẽ không phù hợp với thời điểm hiện tại. Rồi mình cũng học theo kinh nghiệm của những người đi trước, mẹ Soda chăm con. Tuy nhiên, mình hoàn toàn không hiểu con đang muốn gì, con cần gì, con quấy, con khóc không biết nguyên nhân vì sao.
Con ngủ loạn xạ, không có giờ giấc rõ ràng, có lúc “ngủ ngày cày đêm”. Hai vợ chồng mình phải thay phiên nhau chăm con, cả ngày lẫn đêm, cộng thêm việc vừa sinh xong (mình sinh mổ), sức khoẻ mình yếu hẳn đi, lại phải chăm con hoàn toàn, rồi con sinh hoạt không có giờ giấc rõ ràng, làm cho mình thật sự căng thẳng, thật sự kiệt sức, có lúc cảm thấy bất lực, không biết giải quyết vấn đề từ đâu.
Có thể, đây cũng là tình trạng chung của một số mẹ bỉm sữa ngày nay, không phải tất cả các mẹ đều rơi vào hoàn cảnh này, tuy nhiên, có thể đại đa số, thậm chí với các mẹ vừa sinh bé thứ 2, vẫn tiếp tục gặp vấn đề này, vì khi sinh bé đầu tiên, không giải quyết triệt để hoạt động bú ngủ cho con, nên tình trạng vẫn tiếp tục lập lại ở bé thứ 2, rồi các mẹ lại cảm thấy stress, thấy bế tắc và đôi lúc tưởng chừng như rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh như mọi người vẫn thường nói.
Với mẹ Soda, mình không muốn việc chăm con là một áp lực nặng nề, trong khi vợ chồng mình đều mong muốn chăm con là niềm vui, niềm yêu thích thật sự nhằm mang đến nhưng điều tốt đẹp cho con. Mình không thể chấp nhận tình trạng “mẹ không hiểu con muốn gì”, “vì sao con khóc hoài”, “vì sao con thức đêm không chịu ngủ mà ban ngày thì con ngủ li bì” (mọi người vẫn hay ví von là bé “ngủ ngày cày đêm” đó ạ).
Chính vì vậy, vợ chồng mình đã tìm hiểu thông tin, tham khảo từ nhiều nguồn, và cuối cùng đã tìm được chìa khoá mở cánh cửa thông suốt các vấn đề này, cải thiện điều kiện hiện tại, giúp con rèn luyện nếp sinh hoạt hợp lý với các hoạt động bú sữa và ngủ theo giờ giấc rõ ràng, khoa học hơn. Sau đó, vợ chồng mình đã tìm đến “quyển sách gối đầu giường” của các mẹ bỉm sữa, sách “Nuôi con không phải cuộc chiến – E.A.S.Y – Nếp sinh hoạt cho bé yêu” của Hachun Lyonnet (Hà Chũn) và Hương Đỗ (Mẹ Bông) đồng tác giả.
Mình thật sự cảm ơn các tác giả đã hướng dẫn, chia sẻ các kinh nghiệm về cách thức rèn nếp sinh hoạt rất khoa học cho bé yêu. Sau khi áp dụng E.A.S.Y cho con, mình thật sự rất thích phương pháp E.A.S.Y này. Trộm vía, con cũng thích nghi khá tốt với E.A.S.Y. Chỉ sau 1 tuần cho con theo E.A.S.Y, Soda đã có thể thực hiện các hoạt động bú (Eat) – Chơi (Activity) – Ngủ (Sleep) khá nhịp nhàng và mẹ cũng có hẳn một khoảng thời gian dành riêng cho bản thân (Your Time – Y) để nghỉ ngơi hoặc làm việc khác trong lúc con được ngon giấc.
Cũng từ đây, mình cảm giác như cuộc sống sau sinh bước sang một trang mới với nhiều điều thú vị khi chăm con, đầy niềm vui và hạnh phúc. Mình thật sự “tận hưởng” việc chăm con, không còn cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ như trước kia nữa. Đặc biệt, Soda cũng vui vẻ hẳn, không còn cáu gắt hay khó chịu như trước đây (mà nguyên nhân đơn thuần vì một phần con ngủ nghỉ không hợp lý, giờ giấc bị loạn nhịp; một phần khác là vì mẹ không hiểu con nên không thể hỗ trợ con trong nếp sinh hoạt hằng ngày hoặc vì không biết con muốn gì, cần gì nên mẹ xử lý tình huống và giải quyết vấn đề chưa hiệu quả, chưa triệt để, dẫn đến nhu cầu của con chưa được đáp ứng, trong khi mẹ thì gần như kiệt sức vì cố gắng giúp con ngủ nghĩ theo suy nghĩ cá nhân của mẹ khi chưa áp dụng phương pháp E.A.S.Y).
Có lẽ, giờ đây, cả 2 mẹ con đều như mở ra một cánh cửa thần kỳ đầy niềm vui và hạnh phúc. Mình chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình qua cách chăm con qua phương pháp rèn luyện nếp sinh hoạt theo E.A.S.Y một cách khoa học, hợp lý cho con với mong muốn có thể tiếp thêm sức mạnh, động lực, đồng thời giúp củng cố tinh thần, nghị lực cho các mẹ hiện đã và đang rơi vào tình trạng khó khăn như mình trước đây.
Về cách thức thực hiện rèn luyện E.A.S.Y cho Soda như thế nào theo từng giai đoạn, mình sẽ trình bày chi tiết hơn ở các nội dung tiếp theo các mẹ nhé. Mẹ Soda thật sự rất vui nếu các mẹ có bất kỳ góp ý hay đề xuất nào đối với các nội dung chia sẻ của mình, các mẹ cứ thoải mái comment để chúng ta cùng chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con ạ. Một lần nữa xin kính chúc các mẹ tràn đầy sức khoẻ và niềm hạnh phúc để luôn vững vàng trong hành trình nuôi dạy con nhé!
Mẹ soda có thể giúp mình biết thêm nếu luyện tự ngủ muộn cho bé thì nên thực hiện ra sao không? Bé có nếp sinh hoạt nay được 17w nhưng chưa biết tự ngủ và tự chuyển giấc. Đặc thù là 1 em bé cáu kỉnh ạ
Chào mom, rất cảm ơn mom đã quan tâm đến bài viết của methuongcon ạ.
Về cách luyện tự ngủ cho bé, nếu bé đã có nếp sinh hoạt tốt rồi thì mom thử dùng phương pháp 4s/5s để giúp trấn an bé, hỗ trợ bé tập tư ngủ xem sao nhé.
4S hữu hiệu nhất cho bé từ 0-4 tháng & có thể theo bé suốt 1 năm đầu đời qua các giấc ngủ.
– S1: Tạo thủ tục đi ngủ (sleep routine): một nhóm các hoạt động giống nhau, lặp đi lặp lại trước mỗi lần đi ngủ, kéo dài 10-20 phút, để giúp bé hiểu đây là quy trình chuẩn bị đi ngủ
– S2: Quấn bé, hành động ra tín hiệu đi ngủ cho bé.
– S3: Sitting – ngồi yên tỉnh, bế bé, trong phòng tối nhằm tạo sự chuyển giao giữa giờ thức và giờ đi ngủ, để bé hiểu rằng không gian yên tỉnh, tối là đi ngủ (nên kéo hết rèm cửa. tạo môi trường ngủ quen thuộc cho bé
– S4: sử dụng kỹ thuật Shh…Shh kèm hoặc không kèm Ti giả.
Phương pháp 5S giúp bé giảm quấy khóc:
-S1: quấn chặt
-S2: cho bé nằm nghiêng
-S3: Tiếng ồn trắng (white noise)
-S4: Cử động đưa người
-S5: Mút = ti giả
Đây là những kỹ thuật lý thuyết chung cho tất cả các moms tham khảo, tuy nhiên, theo mình nghĩ, tuỳ từng bé, chúng ta nên linh hoạt điều chỉnh một tí sao cho phù hợp với con mom nhé, dĩ nhiên vẫn bám sát những yếu tố chính. Như theo kinh nghiệm thực tế của Mẹ Soda, bé nhà mình không sử dùng dụng cụ quấn bé, mình cho Soda nằm ngủ thoải mái. Điều cần thiết để giúp con đi vào giấc ngủ tốt là mom cố gắng tạo môi trường ngủ phù hợp, và bất cứ giấc ngủ nào cũng cố gắng làm giống như nhau (như kéo rèm để ko có ánh sáng lọt vào, đặt con vào củi khi con vẫn còn có thể nhận biết được là mình sắp đi ngủ), quan trọng là trước khi đi ngủ, con có hoạt động (có thực hiện các Activities theo nếp sinh hoạt) – tức khi con chơi đủ mệt thì việc đi ngủ (Activity cuối cùng của nếp sinh hoạt) thật sự sẽ không khó đâu ạ.
Về việc tự chuyển giấc, theo mình chúng ta nên cố gắng hỗ trợ con một thời gian, vẫn sử dụng nút chờ (3-5phút…) tuỳ độ tuổi. Tuy nhiên, ở những thời điểm WW (wonder weeks) – thời điểm phát triển kỹ năng của con chẳng hạn, mình nghĩ chúng ta nên cố gắng thông cảm và hiểu cho con, khi đó, mom chỉ cần chờ đợi, và cùng con vượt qua thời kỳ này nhé. Có bé dễ dàng chuyển giấc tốt, nhưng có bé không dễ chút nào. Mom cứ thoải mái, linh hoạt điều chỉnh, thay vì nút chờ chuẩn là 5p với độ tuổi hiện tại của con thì mom có thể giảm bớt lại còn 2-3p chẳng hạn, vẫn kiểm tra thay tả nếu tả ướt, môi trường ngủ có nóng/lạnh quá không?, con có nóng sốt hay khó chịu ko?…. nếu loại bỏ hết các yếu tố quan trọng kia, cuối cùng Mom hãy bế con lên vỗ lưng nhẹ nhẹ giúp con trấn an tốt, bế con một lúc giúp con thoải mái hơn, đặt con nằm lại, có thể sử dụng ti giả hỗ trợ, trường hợp này ti giả có thể phát huy tác dụng tốt ạ. Và điều quan trọng nhất, mẹ chính là người hiểu con nhất, nên mẹ hãy linh hoạt xử lý để phù hợp với con hơn, và đặc biệt 2 mẹ con phải thật sự thoải mái với quy trình riêng do mẹ hỗ trợ con thì quy trình ấy sẽ thành công theo cách của mẹ ạ. Hy vọng những chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của Mẹ Soda có thể giúp Mom phần nào. Chúc Mom thành công nhé.