E.A.S.Y Là Gì? Lưu ý khi áp dụng E.A.S.Y cho con

Ở bài chia sẻ trước, mẹ Soda có giới thiệu phương pháp rèn luyện nếp sinh hoạt cho con theo E.A.S.Y để giúp con bú giỏi, ngủ ngoan hơn, con khoẻ, mẹ vui. Vậy E.A.S.Y là gì và cách thức thực hiện E.A.S.Y như thế nào? Ở phần này, mình sẽ giới chi tiết hơn để các mẹ dễ hiểu và cố gắng thực hành theo sao cho phù hợp và hiệu quả nhất với con các mẹ nhé.

Giới thiệu về E.A.S.Y

E.A.S.Y là một chuỗi trình tự sinh hoạt (routine) lặp đi lặp lại đơn giản, dễ thực hiện và có thể áp dụng ngay từ ngày đầu tiên bé chào đời. Trong một ngày, từ sau khi thức dậy cho đến lúc ngủ đêm, một em bé sơ sinh sẽ trải qua các chu trình E.A.S.Y ngắn, đã được định trước, được lặp đi lặp lại cho đến khi nó trở thành một thói quen – một phản xạ đối với bé.

Mỗi một chữ cái trong E.A.S.Y tương ứng với một hoạt động trong chu trình đó, như sau:

Quy trình E.A.S.Y
Chữ cái viết tắt theo E.A.S.Y

2. Cách rèn luyện nếp sinh hoạt cho bé theo E.A.S.Y.

Nhớ lại khi bắt đầu áp dụng phương pháp E.A.S.Y cho Soda, lúc ấy, mình còn chưa kịp đọc quyển sách tạm gọi là “gối đầu giường” – sách “Nuôi con không phải cuộc chiến”, ba Soda phải tranh thủ mua sách và đọc cấp tốc, hiểu nhanh, phân tích và hướng dẫn cho mình thực hiện các bước E.A.S.Y theo đúng trình tự, đồng thời hỗ trợ hết mức có thể để hai mẹ con cùng tham gia khoá huấn luyện này.

Thật sự mà nói, cả mẹ và con cùng luyện tập thì đúng hơn các mẹ ạ. Ở đây, sỡ dĩ mình khẳng định như vậy, vì thứ nhất con là nhân vật chính, là người được áp dụng phương pháp E.A.S.Y để có thói quen bú ngủ hiệu quả hơn. Thứ 2, người đồng hành cùng con là mẹ. Mẹ ngoài việc phải hướng dẫn và giúp con tham gia các hoạt động thật phù hợp, mẹ còn phải thật sự kiểm soát được cảm xúc và hành động của mình. Mẹ phải giữ vững lập trường, phải mạnh mẽ để có thể đồng hành cùng con trong suốt quá trình này.

Thoạt đầu nghe qua có thể một số mẹ cảm thấy hơi hoang mang, lo lắng liệu mình có thể làm được hay không? Các mẹ hãy luôn tin vào khả năng của con các mẹ nhé, đặc biệt hãy luôn mạnh mẽ, giữ vững quan điểm của mình khi áp dụng để tránh bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự thành công của hai mẹ con.

Mình chắc chắn rằng trong quá trình áp dụng E.A.S.Y, nhất là thời gian đầu, các mẹ sẽ gặp phải một số vấn đề nan giải, thậm chí stress hơn cả cách thức thực hiện vì sự can thiệp của ông bà nếu mẹ vẫn ở chung với ông bà. Cho nên, mình chia làm 3 trường hợp như sau nhé, các mẹ ở trường hợp nào thì cố gắng lưu ý để tránh bị căng thẳng khi thực hiện .

  • Trường hợp 1: Vợ chồng sống riêng, chồng hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ vợ áp dụng E.A.S.Y cho con.

Xin chúc mừng mẹ nào thuộc trường hợp này thì hoàn toàn có thể yên tâm về mặt tinh thần luôn vững chắc vì không có tác động nào từ bên ngoài có thể cản trở hoặc gián đoạn quá trình áp dụng E.A.S.Y cho con. Việc quan trọng còn lại quyết định sự thành công đó chính là ý chí, sự kiên trì và cố gắng thực hiện tới cùng của 2 mẹ con, chịu khó nghiên cứu kỹ sách trước khi áp dụng, cố gắng linh hoạt để hiểu con và áp dụng phương pháp sao cho phù hợp, hiệu quả nhất với con.

  • Trường hợp 2: Vợ chồng sống cùng ông bà, chồng hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ vợ áp dụng E.A.S.Y cho con.

Nếu bạn thuộc trường hợp này, một là bạn áp dụng thành công nếu vợ chồng bạn luôn giữ vững quan điểm, lập trường, cứng rắn và kiên quyết thực hiện tới cùng cho dù ông bà có ý kiến, ngăn cản hoặc can thiệp vào quá trình thực hiện E.A.S.Y cho con. Hai là có thể bạn khó thành công nếu vợ chồng không kiên quyết thực hiện tới cùng vì lập trường bị lung lay hoặc quan điểm thay đổi bất chợt khi có ý kiến hoặc yêu cầu từ phía ông bà.

  • Trường hợp 3: Vợ chồng sống cùng ông bà, chồng hoàn toàn KHÔNG ủng hộ và hỗ trợ vợ áp dụng E.A.S.Y cho con.

Đây cùng là trường hợp gây nhiều khó khăn nhất đối với mẹ bỉm trong quá trình áp dụng E.A.S.Y cho con vì bạn phải “chinh chiến” một mình, không ai ủng hộ hay hỗ trợ bạn khi thực hiện, ngoài ra, có thể bạn dễ bị căng thẳng/stress vì tác động/can thiệp từ phía ông bà/chồng khi thực hiện, dẫn đến dễ bỏ cuộc giữa đường. Ngược lại, nếu bạn vẫn cứng rắn, có quan điểm, lập trường vững vàng và kiên quyết thực hiện thì bạn sẽ thành công mặc dù đôi lúc sẽ hơi vất vả một tí về tinh thần suốt thời gian thực hiện.

Lưu ý: Với cả 3 trường hợp trên, nếu giữa thế hệ ông bà và ba mẹ không có khoảng cách về quan điểm nuôi dạy con, ông bà luôn hiểu, thông cảm và ủng hộ ba mẹ, thì không có gì phải lo lắng nữa các mẹ nhé, cứ vậy mà thực hiện  và chờ đợi “quả ngọt” vào một ngày không xa nhé.

Để tránh làm cho các mẹ thấy rối bời khi bắt đầu thực hiện E.A.S.Y, mình xin chia sẻ cách thực hiện thật sự đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất để các mẹ có thể hình dung bước đầu và sau đó, tiếp tục nghiên cứu, đọc thêm các chi tiết trong sách “Nuôi con không phải cuộc chiến” để xử lý các tình huống thực tế một cách hiệu quả nhất các mẹ nhé.

Trước tiên, mình xin phân biệt sự khác nhau giữa 2 phương pháp: bú ngủ kiểu theo truyền thống và bú ngủ theo E.A.S.Y như sau:

a. Lịch bú ngủ theo truyền thống:

bú ngủ truyền thống
Bú ngủ truyền thống

b. Lịch sinh hoạt theo E.A.S.Y:

LỊCH SINH HOẠT THEO EASY
Lịch sinh hoạt theo E.A.S.Y

c. Nguyên tắc cơ bản của E.A.S.Y:

PHẢI tách rời hoạt động ĂN và NGỦ, vì con sẽ không ngủ gật trên ti mẹ nữa. Con được đặt xuống cũi khi đã mệt (vì vừa chơi/hoạt động xong), và sẵn sàng đi ngủ nhưng vẫn còn thức (đủ tỉnh táo để nhận biết hoạt động sắp đi ngủ) và sẽ được tập luyện quá trình TỰ NGỦ.

d. Phân loại E.A.S.Y:

Tuỳ vào từng độ tuổi khác nhau của bé, các mẹ sẽ áp dụng E.A.S.Y nào sao cho phù hợp nhất để mang lại hiệu quả cao nhất, bao gồm một số trình tự cơ bản sau:

PHÂN LOẠI E.A.S.Y
PHÂN LOẠI E.A.S.Y

Ngoài ra, nếu bé khóc nhiều và không thể ngủ được giấc thứ ba của E.A.S.Y 4 nữa. Lúc này, chính là giai đoạn bé sẽ chuyển sang E.A.S.Y 2-3-3.5 (tương ứng thời gian bé thức – Acitivity là 2 giờ – 3 giờ – 3.5 giờ  và từ từ chuyển về E.A.S.Y 2-3-4 (tương ứng thời gian bé thức – Acitivity là 2 giờ – 3 giờ – 4 giờ.

  • Thời gian chuyển giao có thể bắt đầu từ 18-19 tuần bé sẽ theo lịch sinh hoạt này đến hết 10-11 tháng, thậm chí có bé còn vui vẻ sinh hoạt với chu kỳ này đến tận 15 tháng tuổi.
  • Với các bé đang sinh hoạt từ lịch 2-3-3.5, chuyển giao lên 2-3-4, thực chất ba mẹ chỉ tăng thêm 30 phút thời gian thức cuối ngày, để bé có thêm thời gian thức và trở nên mệt hơn (trước khi chuẩn bị quy trình ngủ đêm).
  • Ở mốc 9-10 tháng, khi lịch sinh hoạt 2-3-4 tưởng chừng không còn hiệu quả, con bắt đầu thức dậy vào ban đêm. Lúc này, ba mẹ có thể chủ động tăng thời gian thức của con, khi đó lịch có thể là 2.5-3.5-4 giờ hoặc lịch 3-4-4 giờ tuỳ theo phản ứng của từng bé. Lúc này, có thể xuất hiện 1 catnap trong ngày, thường là giấc đầu tiên. Điều này hoàn toàn bình thường của các bé chuẩn bị chuyển sang lịch ngủ 1 giấc/ngày, lịch 5-6 giờ với tổng thời gian thức là 11 giờ. Lịch này có thể sẽ theo bé đến tận 3-4 tuổi.

Lưu ý: khi thiết kế lịch sinh hoạt cho bé theo E.A.S.Y

  • Điều quan trọng trước tiên là ba mẹ phải thật sự kiên trì và luôn tin tưởng rằng mình sẽ thực hiện được phương pháp E.A.S.Y cho con.
  • Ba mẹ có thể tự thiết kế lịch riêng cho từng bé, với điều kiện đảm bảo tổng thời gian thức tối ưu và số nao tối thiểu theo độ tuổi nhằm đảm bảo bé ngủ được nhiều nhất, đồng thời bé cũng không bị quá sức và không dậy vào đêm nhiều.
  • Nếu bé ngủ ngày nhiều, thức ít thì bé sẽ dậy đêm chơi, nhưng ngược lại nếu bé thức quá dài và ngủ quá ít ban ngày , bé ăn không hiệu quả thì đêm vừa đói vừa căng thẳng thần kinh nên bé dậy càng nhiều lần và đòi ăn.
  • Giấc ngủ liền mạch về đêm là thước đo xem lịch sinh hoạt của bé có hiệu quả hay không.

Tóm lại, trên đây là những giới thiệu chung, sơ nét về phương pháp E.A.S.Y để các mẹ nắm rõ các kiến thức tổng quan nhất và chuẩn bị tinh thần để bắt đầu bước vào quy trình thực hiện. Trong thời gian áp dụng E.A.S.Y cho Soda, mình rút ra được kinh nghiệm riêng thực tế muốn chia sẻ với các mẹ.

Mẹ chính là người hiểu con nhất, nên tuỳ vào mỗi bé, mẹ nên thiết kế và điều chỉnh lịch sinh hoạt của con sao cho phù hợp nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo kiến thức nền tảng trong sách hướng dẫn, sao cho cả mẹ và con đều thoải mái khi thực hiện thì phương pháp này mới thật sự hiệu quả, con được ngủ ngon trọn vẹn, mẹ chăm con vui khoẻ thật sự.

Nguồn tham khảo: Sách “Nuôi con không phải cuộc chiến”.

Kim Liên

Kim Liên từng làm phát triển các dự án về tiết kiệm năng lượng, cuối năm 2018 mình có con trai, tên bé là Soda. Kể từ đó mình dành toàn thời gian để ở nhà chăm con và làm việc tại nhà.

Bài viết cùng tác giả →

Leave a Comment