Lợi ích của Ăn Dặm Bé Chỉ Huy (BLW) – Mẹ Cần Chuẩn Bị Gì?

  1. GIỚI THIỆU CHUNG

Khi con được tầm 5 – 6 tháng tuổi, các mẹ bắt đầu ráo riết tìm hiểu về Ăn Dặm các kiểu để chuẩn bị bước ngoặc mới cho con. Có thể các mẹ đôi lúc cũng rất bối rối không biết nên chọn phương pháp Ăn Dặm nào phù hợp và hiệu quả nhất với bé nhà mình phải không ạ?

Một số mẹ sẽ chọn phương pháp Ăn dặm Truyền thống (ăn bột đến cháo rây, cháo loãng, … và đến tận 1 tuổi con sẽ được tập ăn cơm; và người chăm bé sẽ trực tiếp đút cho bé ăn. Một số khác lại chọn cho con Ăn dặm kiểu Nhật (vẫn bắt đầu bằng cháo rây với các tỉ lệ khác nhau, sau đó tăng dần độ thô, các món chuẩn bị rất chăm chút, tỉ mỉ và nhiều công sức đầu tư của người chăm).

Cuối cùng, chúng ta thấy một nhóm các mẹ lại chọn phương pháp Ăn dặm cho con hoàn toàn khác biệt với hai phương pháp trên, phương pháp Ăn dặm Bé Chỉ Huy (BLW). Ngày nay, phương pháp ăn dặm Bé Chỉ Huy  (Baby-led Weaning) (BLW) dường như không còn quá mới mẻ với các mẹ trẻ. Một số mẹ đã áp dụng phương pháp BLW khá thành công cho con của mình. Có thể chúng ta cũng đã từng nhìn thấy hình ảnh các bé ngồi trong ghế ăn, tự bốc/tự xúc thức ăn một mình mà không cần mẹ đút từng thìa hoặc bất cứ sự hỗ trợ nào khác từ mẹ hay người chăm bé.

Có thể chúng ta “Ồ” lên đầy ngạc nhiên, rồi trầm trồ “Trộm vía sao con ăn giỏi thế”, “Mẹ chăm con Ăn Dặm mà không cần phải ép hoặc đút hay chạy theo con gì cả!”. Một số mẹ chắc chắn cũng đã từng so sánh sao con mình chán ăn quá, ép hoài ép mãi cũng chỉ được vài thìa cháo rây hoặc phải dụ cho xem Ti Vi, Ipad, làm nhiều trò thuyết phục thì con mới hoàn thành được 1/2 bữa ăn thôi đã là tôt lắm rồi chẳng hạn.

Một điều quan trọng mà Mẹ Soda xin lưu ý với các mẹ rằng, “kinh nghiệm đầu đời khi ăn dặm có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của bé về bữa ăn trong nhiều năm sau đó, vì vậy, sẽ rất có ý nghĩa khi bạn giúp các bé cảm thấy thích thú”. Chính vì vậy, ngay từ đầu, mình đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi BLW và đã chọn phương pháp BLW hoàn toàn cho Soda từ lúc Soda 6.5 tháng tuổi. Đến nay, con được 16 tháng, con đã học được khá nhiều kỹ năng rất thú vị như khám phá thức ăn, tự bốc ăn, tự xúc thìa, nề nếp ăn uống nghiêm túc, tự do, thoải mái khi tham gia bữa ăn và ăn rất hứng thú,…

Bày trí món ăn dặm bắt mắt

Đặc biệt, con rất thích thú với hoạt động ăn uống và lượng ăn con có thể tự nạp vào tương đối nhiều cũng như thức ăn rất đa dạng. Theo mẹ Soda đánh giá, các bữa ăn của con khá hiệu quả vì con luôn thoải mái, vui vẻ, không nước mắt, không ép ăn, chỉ có sự tự do thưởng thức bữa ăn thật sự.

Vậy hãy cùng Mẹ Soda giải đáp các thắc mắc “Tại sao BLW lại khác biệt đến thế?” nhé

2. LỢI ÍCH (ƯU ĐIỂM) VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM BÉ TỰ CHỈ HUY (BLW)

a. LỢI ÍCH:

– Ăn dặm BLW mang lại khá nhiều lợi ích cho bé, cụ thể:

  • Rất hào hứng:

Các bé được cho ăn theo phương pháp BLW thường rất mong đợi đến giờ ăn. Các trải nghiệm sớm về bữa ăn vui vẻ, không căng thẳng thường giúp bé có thái độ lành mạnh suốt đời đối với thức ăn.

  • Xây dựng nề nếp, thói quen, tác phong ăn uống cho bé ngay từ đầu, ăn phải ngồi tại ghế ăn, tại chỗ, không ăn rông, không thiết bị điện tử (điện thoại, TV,….).
  • Bé được chủ động trong bữa ăn và kiểm soát món ăn, tốc độ ăn và quyết định món ăn bé thích và lượng thức ăn bé sẽ nạp vào bao nhiêu là đủ.
  • Tự do khám phá thức ăn và được mẹ tạo cơ hội, khuyến khích khám phá qua từng bữa ăn mẹ nấu. Bé học được hình dạng, mùi vị, hương vị và độ thô/mịn của các loại thức ăn và các vị kết hợp với nhau thế nào.
  • Nâng cao sự tự tin:

Cho phép con làm mọi việc không chỉ giúp con học hỏi mà còn tạo cho con thái độ tự tin vào khả năng và sự đánh giá của con. Việc nhìn con tự ăn sẽ giúp ba mẹ tin tưởng và khả năng và bản năng của con. Từ đó, ba mẹ sẽ có thái độ thoải mái hơn về nhu cầu khám phá thế giới của con, đồng thời, con cũng sẽ có nhiều tự do hơn để học hỏi.

  • Các bé ăn theo BLW sẽ vận dụng bản năng để quyết định món nào NÊN và KHÔNG NÊN ăn, hoặc TỪ CHỐI  món nào bé cảm thấy không thích hoặc có vẻ không an toàn (quá chín/xanh, ôi hoặc độc….).
  • Cùng gia nhập bữa ăn gia đình

Các bé ăn BLW thường được tham gia bữa ăn cùng với gia đình ngay từ đầu với các món ăn tương tự có trong bữa ăn (chỉ khác nhau ở chỗ không nêm gia vị khi bé dưới 1 tuổi) và hưởng không khí đầm ầm, thân thiết bên gia đình.

  • Kiểm soát cơn đói

Các bé sẽ ăn khi đói và ít có nguy cơ ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân, điều thường xảy ra với trẻ nhỏ. Bé ăn theo tốc độ riêng và dừng ăn khi cảm thấy no. Đây là yếu tố quan trọng hạn chế tình trạng béo phì.

  • Dinh dưỡng tốt hơn

Mỗi bữa ăn luôn đầy đủ các nhóm thực phẩm có lợi cho sức khoẻ bé: đạm, rau củ quả, tinh bột,…).

  • Sức đề kháng tốt
  • Thái độ tích cực với thức ăn
  • Mẹ chuẩn bị thức ăn dễ dàng hơn:

Chỉ cần chế độ ăn của ba mẹ tốt cho sức khoẻ, ba mẹ sẽ dễ dàng điều chỉnh bữa ăn sao cho phù hợp với bé hơn, nhanh gọn lẹ hơn.

  • Không còn trận chiến với con khi đến giờ ăn nữa

Mẹ chỉ việc vui vẻ đồng hành cùng con trong mỗi bữa ăn, phần còn lại con sẽ tự lo, tự xử lý. Mẹ chỉ hỗ trợ khi nào thật cần thiết.

  • Bé được tập ăn thô khá tốt, nên các món ăn dặm theo phương pháp  truyền thông cũng không hề gây khó khăn cho bé.
  • Phát triển kỹ năng cầm nắm, kỹ năng nhai và tự xử lý thức ăn khi nghẹn/oẹ, kỹ năng bóc nhón (bốc thức ăn bằng 2 ngón tay), kỹ năng tự xúc thìa và cầm đũa
  • Bé tự ăn ngay từ đầu thay vì được người khác hỗ trợ đút thìa.
  • Bé tiếp tục được bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức) mỗi khi bé muốn và bé tự quyết định thời điểm giảm các cử bú.
  • Thức ăn được xắt thành miếng có kích thước và hình dạng phù hợp cho bé dễ cầm nắm, thay vì món ăn sền sệt hoặc ray nhuyễn .
  • Sử dụng các giác quan “siêu việt”:
  • Kỹ năng “vượt trội”:
  • Khéo léo và khoẻ mạnh

– Khi cho con ăn dặm theo phương pháp BLW, ngoài lợi ích cho bé, mẹ cũng sẽ học được các kỹ năng quan trọng khác rất tốt như:

  • Kỹ năng dọn dẹp

Tất cả phụ huynh cho con ăn dặm theo BLW đều đồng ý rằng “Thực sự BLW rất bề bộn” các mẹ ạ. Cho dù mẹ có “lười” đến đâu đi nữa, nhưg khi cho con ăn dặm theo phương pháp BLW thì mẹ cũng vẫn phải “chăm chỉ dọn dẹp ít nhất 1 lần/ngày. Mẹ còn thử sức sáng tạo để việc dọn dẹp nhanh gọn hơn cũng như giữ cho bé được “sạch” càng nhiều càng tốt.

  • Kỹ năng “biết năng nghe”

Cho dù bé chưa biết nói, nhưng thông qua cử chỉ, biểu hiện, và phản ứng của bé, mẹ cũng có thể hiểu được nhu cầu của con. Mẹ sẽ học được cách lắng nghe qua việc quan sát, hiểu con muốn gì, khi nào con đói, con không muốn ăn, con mệt hay rơi vào giai đoạn biếng ăn sinh lý, bước vào giai đoạn phát triển kỹ năng, món nào con thích hoặc không thích, con cần giúp đỡ gì và khi nào.

  • Kỹ năng “Biết chờ đợi”

Sau khi tập cho con ăn dặm theo phương pháp BLW, nhiều phụ huynh thật sự bất ngờ về khả năng giữ bình tĩnh, kiên trì, chờ đợi của mình trong suốt quá trình luyện tập của con từ khi con chỉ biết cầm/ném thức ăn cho đến lúc con “ăn cả thế giới”, từ lúc con dùng cả bàn tay để bốc ăn đến khi con tự xúc thìa thành thạo. Thời gian chờ đợi không tính bằng ngày mà tính bằng tháng luôn ạ.

  • Kỹ năng “nhẫn nhịn”

Sự phản đối của gia đình và những người xung quanh là khó khăn, rào cản lớn nhất đối với mẹ khi cho con ăn theo BLW vì không phải mẹ nào cũng được sự ủng hộ, cảm thông và thấu hiểu từ phía gia đình. Mẹ phải chịu đựng áp lực tương đối lớn, nhưng nếu mẹ có thể nhẫn nhịn, chịu được áp lực này thì khoảng thời gian khó khăn đó cũng sẽ qua nhanh thôi ạ. Rồi mẹ và con sẽ hái được “quả ngọt” vào một ngày không xa. Khi đó, có thể người thân chỉ có việc trầm trồ “Ồ, sao con ăn giỏi thế!”.

b. NHƯỢC ĐIỂM:

Phương pháp ăn dặm nào cũng có ưu điểm riêng, với BLW, như đã nêu, có khá nhiều ưu điểm cho cả hai mẹ con. Tuy nhiên, dĩ nhiên, ăn dặm theo BLW vẫn có nhược điểm, vậy đâu là nhược điểm chúng ta cần lưu ý để chuẩn bị trước tinh thần, để không bị bỡ ngỡ, lo lắng và hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng đến tinh thần của 2 mẹ con nhé.

  • Giai đoạn đầu khi luyện tập kỹ năng, bé sẽ ăn rất ít hoặc hầu như chẳng ăn gì cả.
  • Có giai đoạn bé chỉ cắn thức ăn hoặc nhai nhả mà không chịu nuốt tí nào nên dễ làm mẹ lo lắng vì sợ con đói, nên dễ dẫn đến bỏ cuộc giữa đường nếu như mẹ chưa tìm hiểu hoặc nghiên cứu kỹ trước sách hướng dẫn về ăn dặm BLW.
  • Có trường hợp mẹ không kiên nhẫn đồng hành cùng con hoàn thành quá trình luyện tập .
  • Dễ bị tác động dẫn đến lập trường không vững bởi ý kiến của người thân trong gia đình khi người thân thấy cách ăn dặm “hơi khác lạ”.
  • Con thường hay được người thân đem so sánh cân nặng với trẻ khác đồng trang lứa.

3. MẸ CẦN CHUẨN BỊ GÌ KHI CHO CON ĂN DẶM BÉ CHỈ HUY (BLW)

– Quan sát tín hiệu khi con sẵn sàng tập ăn dặm:

  • Độ tuổi khuyến nghị để bắt đầu ăn dặm là 6 tháng. Trước khi đạt độ tuổi này, các bé khó có thể tiêu hoá các loại thức ăn, trừ sữa.
  • Bé có thể tự ngồi thẳng đầu không cần trợ giúp.
  • Bé với tay cầm đồ vật, đưa nhanh và chính xác vào miệng. Nếu bé gặm đồ chơi và nhai nhóp nhép, đó chính là lúc bé sẵn sàng khám phá thức ăn dặm.

– Lưu ý, đôi khi mẹ lầm tưởng con đã sẵn sàng ăn dặm, nhưng thực chất đây “Không phải Dấu hiệu sẵn sàng” ăn dặm của con các mẹ nhé:

  • Tỉnh giấc đêm

Bé hay tỉnh giấc vào ban đêm là do lịch sinh hoạt chưa phù hợp chứ không phải dấu hiệu bé cần ăn dặm. Mẹ nên điều chỉnh lại lịch sinh hoạt hàng ngày cho bé phù hợp với độ tuổi tương ứng.

  • Chậm tăng cân:

Theo các nghiên cứu, sau 4 tháng tuổi, tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm lại, đặc biệt là các bé bú mẹ nên đây không phải dấu hiệu ăn dặm

  • Bé tóm tém miệng, chăm chú nhìn ba mẹ ăn hoặc với tay ta đòi đồ ăn:

Khoảng 4 tháng, bé sẽ có một bước phát triển mới về nhận thức, trong đó có việc bé rất chăm chú quan sát các hoạt động của người khác chứ không phải bé đòi ăn.

  • Bé còi cọc hoặc bụ bẩm quá:

Dưới 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé, không thể lấy việc ăn dặm để điều chỉnh cân nặng của bé.

Mẹ cần chuẩn bị một số đồ dùng ăn dặm BLW cho con, gồm:

Tuỳ vào điều kiện kinh tế từng gia đình và các giai đoạn tập ăn dặm khác nhau của BLW của bé mà mẹ sẽ chuẩn bị các dụng cụ ăn dặm cho bé và dụng cụ chế biến phù hợp:

  • Ghế ăn dặm có kèm khay ăn:

Sỡ dĩ bắt buộc phải có ghế ăn dặm cho con vì mọi hoạt động ăn uống của con trong quá trình tập ăn dặm đều diễn ra tại chiếc ghế này. Con sẽ được rèn luyện nề nếp ăn uống tại đây, con biết nơi nào con sẽ tập trung ăn uống, mỗi khi được mẹ cho ngồi vào ghế là nghiêm túc tập trung ăn, không ăn rông là vậy đó các mẹ ạ.

Có nhiều loại ghế ăn dặm hiện nay trên thị trường như ghế: Mastela, Joie Multiply 6in1 Petite City, Senmysan, Summer Infant Deluxe, Carter, Chicco, Việt Nhật, … Tuỳ vào kinh tế mỗi gia đình mà các mẹ chọn loại nào phù hợp với túi tiền của mình nhé.

Riêng mẹ Soda hiện đang xài ghế Mastela 1015 cho con vì có nhiều ưu điểm như: thay đổi độ cao tuỳ ý, đặc biệt khi con ngồi ăn cùng gia đình, ghế này có thể chỉnh độ cao để con ngồi sát vào bàn ăn ngang tầm với ba mẹ, con sẽ thích thú hơn nhiều khi tham gia bữa ăn cùng gia đình, con sẽ dễ quan sát và tự luyện tập các kỹ năng xúc thìa/cầm đũa từ ba mẹ khi được ngồi ăn chung với nhau.

Ưu điểm khác của ghế Mastela này là có thể chỉnh sang tư thế nằm ngang tận dụng cho bé nằm bú khá thoải mái và dễ chịu. Ghế luôn có dây an toàn và nút khoá bánh xe nên các mẹ không cần lo lắng nhé.

Ghế ăn dặm có thể điều chỉnh độ cao
  • Yếm ăn dặm:

+ Trung bình 2 – 3 cái

+ Nên chọn loại yếm có khay hứng thức ăn rơi, thật sự rất tiện dụng vì yếm này sẽ giúp mẹ hạn chế việc dọn dẹp thức ăn rơi xuống sàn.

+ Các mẹ có thể tìm kiếm trên thị trường có khá nhiều nhà cung cấp yếm ăn dặm với mẫu mã đa dạng và giá cả cũng tương đối phải chăng.

Yếm ăn dặm có máng
  • Đĩa/chén/muỗng (thìa) ăn dặm:

+ Trung bình bé cần mỗi loại 1 cái với chén, đĩa hoặc khay ăn có chia ngăn (có thể chọn khay với các hình thú cưng bắt mắt nhằm tạo ấn tượng kích thích bé khám phá thức ăn. Với chén/đĩa mẹ nên chọn loại có đến cao su dính vào khay ghế ăn dặm để cố định vị trí, mẹ không cần phải ngồi canh giữ chén, sợ chén rơi trong quá trình con tập xúc thìa.

Khay ăn chia ngăn cơ bản
Khay ăn hình gấu ngộ nghĩnh

+ Muỗng (thìa) trung bình 2 cái, nĩa 1 cái, tuỳ theo từng giai đoạn, mẹ nên chọn loại thìa thuận tiện giúp bé cầm thoải mái. Ví dụ, khi mới bắt đầu tập xúc thìa, bé sẽ thích cầm thìa có cán to to vì sẽ chắc tay, bé sẽ gặp khó khăn khi đưa thức ăn vào miệng khi sử dụng thìa quá dài,… Sau khi xúc tương đối thành thạo thì mẹ có thể cho bé sử dụng thoải mái tất cả các loại thìa sẵn có tại nhà.

  • Miếng nilong hoặc giấy báo hoặc áo mưa (không bắt buộc).

Mục đích: lót phía dưới ghế ăn dặm, sau khi bé ăn xong, mẹ dọn dẹp gọn và nhanh hơn

  • Hộp thuỷ tinh/hộp nhựa đựng thức ăn
  • Mẹ có thể sơ chế sẵn thức ăn nấu trong ngày để rút ngắn thời gian nấu nướng, bảo quản thức ăn sơ chế trong hộp này, đặt trong ngăn mát tủ lạnh và tránh nhiễm khuẩn chéo với các loại thức ăn khác.
  • Một số dụng cụ chế biến thức ăn phổ biến (nồi, chảo, muỗng đo lường, kéo,….).
  • Khuôn cắt bánh, khuôn cơm hình ngộ nghĩnh (không bắt buộc).
  • Túi ziplock: bảo quản thức ăn (cấp đông)
  • Dao lượn sóng: cắt thức ăn có gân lượn sóng giúp bé dễ cầm nắm khi mới bắt đầu tập ăn dặm.

4. BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA PHƯƠNG PHÁP BLW

  • Ngay từ đầu, hãy coi bữa ăn là giờ chơi, là thời gian để bé học hỏi và thử nghiệm – không nhất thiết bữa ăn dặm là bé phải ăn. Bé sẽ vấn có đầy đủ chất dinh dưỡng từ các bữa sữa.
  • Tiếp tục cho bé bú sữa theo nhu cầu, thức ăn dặm chỉ góp phần bổ sung, chứ không phải thay thế các bữa sữa (nhất là đối với bé dưới 1 tuổi).
  • Ban đầu, đừng trông mông bé sẽ ăn nhiều. Khi 6 tháng, bé sẽ không cần thêm thức ăn. Đến khi nào bé phát hiện ra vị ngon từ thức ăn, bé sẽ bắt đầu nhai và nuốt. Trong vài tháng đầu, rất nhiều bé chỉ ăn rất ít.
  • Cố gắng ăn chung với con và cho con tham gia bữa ăn cùng gia đình bất cứ khi nào có thể sắp xếp được, để bé có nhiều cơ hôcij bắt chước bạn và thực hành các kỹ năng mới.
  • Đón đợi sự bừa bộn! Hãy nghiên cứu và chuẩn bị sẵn yếm ăn dặm,…. để việc xử lý thức ăn rơi dưới sàn đơn giản hơn, không gây căng thẳng cho mẹ.
  • Hãy để giờ ăn thật sự vui vẻ với cả gia đình. Hãy chắc chắn giờ ăn luôn thoải mái và thú vị, khi đó, bạn sẽ khuyến khích bé khám phá và trải nghiệm bữa ăn. Bằng cách này, con sẽ rất hứng thú với thức ăn và luôn mong đến giờ ăn.

5. NHỮNG VIỆC MẸ NÊN LÀM

  • Đảm bảo con được hỗ trợ trong tư thế ngồi thẳng lưng khi ăn.
  • Bắt đầu bằng các món ăn dễ cầm nắm.
  • Cho bé ăn thức ăn thật đa dạng.
  • Tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức như trước đây và bắt đầu cho bé uống nước.
  • Giải thích về phương pháp BLW với những người hỗ trợ chăm sóc bé.

6. NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM

  • Tránh các thức ăn không tốt cho sức khoẻ bé, ví dụ: thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm có muối, đường. Hãy để các thức ăn có nguy cơ nghẹn ra khỏi tầm với của bé.
  • Không cho con ăn dặm khi con đang đói sữa.
  • Không hối thúc con hoặc khiến con xao nhãng trong khi con đang cầm thức ăn nhằm giúp con tập trung và kiểm soát việc ăn uống.
  • Không giúp con đưa thức ăn vào miệng. Hãy để con tự quyết định và kiểm soát nên ăn món nào.
  • Không cố gắng thuyết phục hay ép con ăn nhiều hơn nhu cầu của con.
  • Không cần dỗ dành, đe doạ hoặc bày trò chơi để khuyến khích con ăn.
  • KHÔNG BAO GIỜ để con ngồi một mình với thức ăn.
  • Không nên so sánh con mình với con người khác.

7. LƯU Ý

  • Điều quan trọng đầu tiên là mẹ cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa oẹ-hóc -> học kỹ năng cấp cứu hóc để có thể tự xử lý cho con vì mẹ là người đồng hành cùng con.
  • Cho bé ngồi đúng tư thế, thoải mái. Nếu bé chưa thể tự ngồi vững/ngồi thẳng đầu được, thì mẹ nên hoãn lại, cho đến khi nào bé tự ngồi vững được hãy bắt đầu lại.
  • Khi mới bắt đầu, cho bé ăn cùng loại thực phẩm trong 2 ngày liên tiếp để thử liệu con có bị dự ứng thức ăn không, đặc biệt các món hải sản.
  • Nên kiểm tra tiền sử dị ứng của gia đình trước khi cho bé ăn các món có khả năng gây dị ứng.
  • Quan sát thái độ, hành vi của bé trong thời gian ăn dặm BLW để có cách ứng xử.
  • Mẹ cần nghiên cứu, tìm hiễu kỹ trước các món ăn qua từng giai đoạn luyện tập kỹ năng của con để chuẩn bị món phù hợp nhằm hỗ trợ con luyện tập và phát triển kỹ năng thật hiệu quả.
  • Mẹ nên sắp xếp lịch ăn dặm của con sao cho phù hợp, để không bị ảnh hưởng bởi hoạt động bú sữa. Thông thường, khi tập ăn dặm, bữa ăn nên cách bữa sữa tầm 1 giờ, do thời gian đầu tập ăn dặm, con ăn rất ít hoặc hầu như không ăn được gì, khi đó, mẹ không cần lo lắng việc con bị đói vì trước đó con đã có bú sữa, nên mẹ an tâm phần này. Tuy nhiên, tuỳ mỗi bé, dù đã bú sữa trước 1 giờ, nhưng khi tập ăn, một số bé vẫn bị ọc sữa trong quá trình xử lý thức ăn thô nên một số mẹ vẫn cảm thấy lo lắng phần này.
  • Mẹ cần giữ vững quan điểm, lập trường khi cho con ăn dặm theo BLW, vì trong suốt quá trình luyện tập, có thể mẹ sẽ bị tác động bởi người thân xung quanh về vấn đề cân nặng của con. Quan trọng, tổng thể trạng của con ổn định vì con luôn được theo dõi sức khoẻ định kỳ cùng với sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ.

Tóm lại, trong quá trình tập ăn dặm của con, mẹ chính là người luôn “sát cánh cùng con” trong mọi hoạt động. Con có luyện tập thành công hay không cũng nhờ mẹ hỗ trợ khá nhiều, đặc biệt là việc thể hiện tình thương yêu của mẹ vào các món ăn mỗi ngày, hỗ trợ cho từng giai đoạn phát triển kỹ năng ăn uống của con.

Vì lẽ đó, Mẹ Soda đã và đang cố gắng đồng hành cùng con trên con đường luyện tập ăn dặm cho con. Cho đến hôm nay, mỗi bữa ăn của Soda vẫn luôn là niềm vui, sự thoải mái, tự do và con thật sự tận hưởng không khí bữa ăn. Riêng mẹ Soda, mình thật sự thoải mái về tâm lý, đặc biệt luôn đặt niềm tin ở con, tin rằng con sẽ ăn theo BLW thật hiệu quả. Chúc các mẹ luôn vững tâm và có niềm tin vào con khi mẹ quyết định chọn phương pháp ăn dặm BLW cho con nhé.

Nguồn tham khảo: “Baby-led Weaning (Phương pháp Ăn dặm Bé Chỉ Huy)” – Gill Rapley & Tracey Murkett (Nguyễn Thị Thuỷ dịch); “Ăn dặm không phải là cuộc chiến” – Mẹ Ong Bông – Hachun Lyonnet – Bubu Hương

Kim Liên

Kim Liên từng làm phát triển các dự án về tiết kiệm năng lượng, cuối năm 2018 mình có con trai, tên bé là Soda. Kể từ đó mình dành toàn thời gian để ở nhà chăm con và làm việc tại nhà.

Bài viết cùng tác giả →

Leave a Comment